Wednesday, November 5, 2014

[vp VNCH] Tổng thống Ngô Đình Diệm và chủ quyền đất nước, 2-11-2014


President Diem in New York City

Bài diễn văn của GS Trần Thủy Tiên trong Buổi Lễ Tưởng Niệm TT Ngô Đình Diệm ở Dallas

Kính Thưa Quý Vị,

Trước hết, xin ngỏ lời cám ơn Ban Tổ Chức Buổi Lễ Tưởng Niệm TT Ngô Đình Diệm đã  mời tôi đến chiều nay ở Hội Trường Swayz, Dallas, TX, như một diễn giả, để trình bầy chủ  đề do Ban Tổ Chức chọn: Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Chủ Quyền Đất Nước.

Nói về Chủ Quyền Đất Nước, chúng ta thường nghĩ đến lãnh thổ, với những gì thấy được và  cầm được rõ ràng trong tay, như đất biển, rừng núi, ruộng vườn, quặng mỏ, cao nguyên,  đồng bằng... Nhưng thực ra, chủ quyền của một đất nước bao gồm nhiều loại, về cả hai mặt: vật chất lẫn tinh thần. Trong phạm vi bài diễn văn hôm nay, tôi muốn đề cập đến 4 phương  diện: Chủ Quyền về Lãnh Thổ, Chủ Quyền về Kinh Tế, Chủ Quyền về Ngoại Giao, và Chủ  Quyền về Giáo Dục.



Chúng ta đã biết, với Tổng Thống Ngô Đình Diệm (TT-NĐD), Chủ Quyền Đất Nước và  Độc Lập Dân Tộc là một nguyên tắc căn bản, không thể bàn thảo và không thể tương  nhượng. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã lấy sinh mạng của chính mình để bảo vệ nguyên tắc  này.

Đầu tiên, tôi muốn nói đến:

1) Chủ Quyền về Lãnh Thổ ở Hoàng Sa và Trường Sa:

Chính quyền của TT Ngô Đình Diệm đã xác nhận Chủ Quyền Lãnh Thổ bằng các hành  động sau:

- Từ trước năm 1955: quân đội của quốc gia Việt Nam, sau gọi là quân đội của nước Việt  Nam Cộng Hòa (VNCH), đã chiếm đóng các đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa, bao  gồm đảo Hoàng Sa.

- Ngày 1-6-1956: Ngoại Trưởng của chính quyền VNCH là Thạc Sĩ Luật Khoa, Vũ Văn  Mẫu, đã ra tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa  và Trường Sa.

- Ngày 22-8-1956: lục quân và hải quân VNCH đổ bộ lên các đảo chính của quần đảo  Trường Sa và dựng bia, kéo cờ. Sau khi trấn giữ ở các đảo phía Tây của quần đảo Hoàng  Sa, trong ngày đó, lực lượng hải quân của Chính Phủ VNCH đã đổ bộ lên các hòn đảo  chính của nhóm đảo Trường Sa, dựng một cột đá và giương cao quốc kỳ VNCH.

- Ngày 22-10-1956, Sắc Lệnh số 143–N của Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm: thay  đổi địa giới các tỉnh và tỉnh lỵ. Trong danh sách các đơn vị hành chánh đính kèm theo sắc  lệnh, có những sự thay đổi tên mới, trong đó có tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được gọi là tỉnh  Phước Tuy, và đảo Spratly thuộc tỉnh Phước Tuy được gọi là Trường Sa.
 
Quần Đảo Hoàng Sa và Quần Đảo Trường Sa

- Theo Hiệp Định Genève, ngày 20/7/1954: mà Trung Cộng cũng đã ký, chính quyền  VNCH ở phía Nam, thủ đô ở Sàigòn, từ thời TT Ngô Đình Diệm, mới là chính quyền có  trách nhiệm quản lý chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, vì hai quần đảo này nằm phía dưới  vĩ tuyến 17. Còn phía trên vĩ tuyến 17 thuộc nước VN Cộng Sản, thủ đô ở Hà Nội.

- Tháng 2/1959: có nhiều dân chài Trung Cộng định đến đóng trên phần phía Tây quần đảo  Hoàng Sa, nhưng không thành công, bị hải quân của Đệ Nhất Cộng Hòa thời TT-NĐD, bắt  và trả lại phía Trung Cộng. Ta cũng cần nhắc tên hai chiến sĩ kiên cường, từ thời Đệ Nhị  Cộng Hòa của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu: Ông Ngụy văn Thà, thà chết (vào năm  1974) chứ không rời tàu chiến, mà bỏ Hoàng Sa, và Ông Nguyễn Thành Trí, sau khi bị  thương, đã hy sinh trên ghe cứu nạn, cũng vào năm 1974. Ở đây, chúng ta cần nêu cao Tinh  Thần Chống Tầu Cộng xâm lăng và chống VC gian ác, của các vị anh hùng trong hai nền  Cộng Hòa. Ngày nay, vào thập niên năm 2000s, Đảng CSVN để Trung Cộng tự do lấn  chiếm biển đảo và đất liền của VN, không dám chống lại, chứng tỏ họ là một Đảng côn đồ  nhỏ và hèn: Hung hăng đánh giết dân lành trong nước Việt rất giỏi, nhưng khiếp sợ côn đồ  lớn Tầu Cộng.

- Trở lại với thời Đệ I Cộng Hoà, ngày 13-7-1961, Sắc Lệnh số 174–N của Tổng thống  VNCH Ngô Đình Diệm: đã đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam, và thành lập tại  quần đảo này một xã tên là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang. Trong sắc lệnh trên, ghi  rằng: Quần đảo Hoàng Sa trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên, nay thuộc tỉnh Quảng Nam,  Trung Việt. Sau nầy:

- Đảo Hoàng Sa (Paracel Islands): trở nên một đơn vị hành chính, thuộc thành phố Đà  Nẵng, được thành lập năm 1982, thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, và sau này trực thuộc  Đà Nẵng ngày 23 tháng 1 năm 1997, theo Nghị Định số 07/1997/NĐ-CP của Chính Phủ  Việt Nam Cộng Sản. Hiện nay, nước Việt Nam CS mất chủ quyền, không quản lý lãnh thổ  nào trên quần đảo Hoàng Sa, và trên thực tế, toàn bộ quần đảo HS đang chịu sự cai quản  của Trung Cộng từ năm 1974, sau cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974 giữa Trung Cộng với  quân đội Việt Nam Cộng Hòa (thời Đệ II Cộng Hòa của TT Thiệu), khi đó, đang đồn trú tại  Hoàng Sa, và đồng thời toàn thể Miền Nam VN cũng đang chiến đấu gian khổ chống Cộng  quân Bắc Việt lúc đó. Từ tháng 7 năm 2012, Trung Cộng tuyên bố, Hoàng Sa đặt dưới sự  cai quản của thành phố Tam Sa, thuộc tỉnh Hải Nam của Tầu. (Theo  http://vi.wikipedia.org/wiki/Ho%C3%A0ng_Sa,_%C4%90%C3%A0_N%E1%BA%B5ng ). Vậy chủ quyền Lãnh Thổ ở Hoàng Sa từ thời TT-NĐD, nay đã mất vào tay Tầu Cộng,  trong thời CSVN, từ năm 2012.

- Đảo Trường Sa (Spratly Island/Storm Island): là một đảo san hô, thuộc cụm Trường Sa  của quần đảo Trường Sa. Đảo này nằm cách Cam Ranh khoảng 254 hải lý (470,4 km) và  cách Vũng Tàu hơn 500 km đường biển. Đảo Trường Sa và tháp chủ quyền do VN dựng  trên đảo, là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam CS, Đài Loan, và Trung Cộng hiện nay.  (Theo http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng_Sa_L%E1%BB%9Bn)

2) Chủ Quyền về Kinh Tế:

A. Năm 1955, Chính Phủ NĐDiệm ra Quyết Định thành lập Ngân Hàng Quốc Gia Việt  Nam, phát hành đơn vị tiền Việt Nam thay cho tiền Đông Dương cũ của Pháp (đã dùng cho  cả 3 nước Việt Nam, Miên và Lào), chứng tỏ tinh thần độc lập quốc gia về kinh tế của  TT-NĐD. Năm 1956, Việt Nam Cộng Hòa gia nhập vào Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và thành  lập Viện Hối Đoái.

B. Nền Công Nghiệp Nhẹ được gây dựng với Nhà Máy Giấy Cogido Đồng Nai, Nhà Máy  Xi Măng Thủ Đức và Hà Tiên, Nhà Máy Thủy Tinh Khánh Hội, các Xưởng Dệt Vinatexco  và Vimytex ở Hóc Môn và Bà Quẹo, hoàn thành Đập Thủy Điện Đa Nhim. Các nhà máy,  xưởng dệt tuy mới thành lập nhưng đã sản xuất, cung cấp hơn 50% nhu cầu trong nước,  chứng tỏ kinh tế Miền Nam VN đã tự do phát triển tốt đẹp dưới thời TT-NĐDiệm.

C. Khi nắm chính quyền, TT Ngô Đình Diệm đã nhanh chóng thi hành Chính Sách Việt Hóa  Kinh Tế để thực hiện Chủ Quyền của Việt Nam. Chính Phủ ban hành Dụ số 53 ngày  06/9/1956, nghiêm cấm ngoại kiều, nếu không có quốc tịch Việt Nam, thì không được làm  11 nghề như sau: Buôn Bán Thịt Cá, Chạp Phô (Tạp Hóa), Than Củi, Nhiên Liệu, Tơ Sợi,  Làm Trung Gian Mua Bán, Buôn Bán Kim Loại, Lương Thực, Hành Nghề Xay Gạo,  Chuyên Chở hay Dịch Vụ. Thành phần kỹ nghệ gia hay thương gia người Hoa, nếu lai Việt,  hoặc có vợ chồng Việt, thì vẫn được tiếp tục kinh doanh, nhưng phải đăng bạ dưới tên vợ,  chồng hay tên bà con, người Việt.

Hoa Kiều tại Chợ Lớn đã chống đối việc thi hành Dụ số 53, phản đối quyết liệt bằng các  cuộc đình công với gần một nửa các cửa hàng buôn bán phải đóng cửa, khiến đôi lúc hoạt  động kinh tế gần như đình trệ. Ở đây, chúng ta nhớ lại thời thơ ấu, cạnh nhà hay trong xóm,  thường có một tiệm bán tạp hóa của người Tầu, rất quen thuộc, mà chúng ta thường đến  mua nhiều thứ cần dùng, như gạo nếp, than củi, đường muối, trứng, sữa, dầu ăn, bánh kẹo...  Vậy hãy tưởng tượng sự bế tắc về kinh tế gia đình lúc đó, khi người Tầu đóng cửa nhiều  tiệm, không bán hàng; nhưng ông Diệm vẫn cương quyết vì muốn giữ chủ quyền kinh tế cho  VN, bớt sự lệ thuộc mua bán vào người Tầu, dù gặp khó khăn tạm thời. Thật vậy, ngày nay  ở Hoa Kỳ, chúng ta thường nghe câu “Freedom Is Not Free”. Muốn được Tự Do, Độc  Lập thì mỗi người phải chiến đấu trong khả năng, hoặc chấp nhận hy sinh và khó khăn trong  lúc sửa đổi luật lệ một thời gian, không thể ích kỷ: muốn mọi việc như cũ theo ý mình, hoặc  để người khác hy sinh cho mình hưởng.

Hai năm sau, nhân chuyến công du của TT Ngô Đình Diệm tại Đài Loan vào tháng 5, năm  1958, việc Hoa Kiều sinh sống tại Việt Nam đã được thảo luận. Sau đó, Chính Phủ Việt  Nam Cộng Hòa đã nới lỏng việc cấm đoán của Dụ số 53, nên đã có nhiều Hoa Kiều gia  nhập quốc tịch Việt Nam. Khi có quốc tịch Việt Nam, người Việt gốc Hoa không còn bị  cấm làm 11 nghề nói trên, và sau đó, nền kinh tế VNCH đã phát triển thật tốt đẹp.

Xin nhắc ở đây, TT-NĐD muốn dạy dân của ông về một Ý Thức Công Bằng, là Quyền Lợi  Luôn Luôn Đi Đôi Với Bổn Phận: Khi vào quốc tịch Việt Nam, người Việt gốc Hoa cũng  phải thi hành bổn phận quân dịch như các thanh niên VN khác, để được các quyền lợi kinh  tế, giáo dục... ở VN.

3) Chủ Quyền về Ngoại Giao:

A. Thủ Tục Ngoại Giao Quốc Tế: phải được theo đúng, như chỉ thị của TT-NĐD. Ngoại  kiều không phải là công dân Việt Nam Cộng Hòa, khi bước chân vào lãnh thổ VN đều phải  có Giấy Thông Hành (Passport) do Bộ Ngoại Giao nước của họ cấp, và Quan Thuế  VNCH sẽ đóng Dấu Thị Thực (Visa) trong Thông Hành này. Tập Thông Hành nào không  có Dấu Thị Thực của VNCH, sẽ không có giá trị, và người cầm thông hành này bị xem như  sống bất hợp pháp tại VN.Thủ tục này được áp dụng chặt chẽ với tất cả ngoại kiều sống ở  Việt Nam, ngay cả các vị Đại Sứ ngoại quốc khi đến VN, tuy không đích thân cầm Giấy  Thông Hành đi thị thực, nhưng có nhân viên làm thay cho họ. Nhân viên của Phái Bộ Viện  Trợ Hoa Kỳ và các cố vấn quân sự Hoa Kỳ cũng phải theo nguyên tắc này, và mỗi người  đều phải có Thông Hành đã Thị Thực (Passport and Visa). Đây là một điểm son về Chủ  Quyền Ngoại Giao của TT-NĐD, vì so sánh với ngày nay, quan và dân Tầu Cộng tự tiện  vào nước ta, không cần Giấy Thông Hành. Họ nghênh ngang bước vào đất Việt như những  chủ nhân và khinh bỉ người mình. Họ xây khu nhà ở riêng, thường xúm thành đám đông,  đánh cư dân Việt nếu có việc đụng chạm, vì biết công an VC không dám can thiệp; nhiều  chỗ còn có bảng Cấm Người Việt Đến Gần, thật quá nhục cho đất nước VN hiện tại, dưới  thời CSVN!!! Nhưng Đảng luôn luôn LÀM ngược lại những gì chúng NÓI: “Không có gì  quý hơn độc lập, tự do!!??” Đúng là nói láo như Vẹm! (tục ngữ VN).

B. Hoa Kiều và Chính Phủ Ngô Đình Diệm. Trước năm 1945, Nam Kỳ là thuộc địa của  Pháp, nên Chính Phủ Bảo Hộ Pháp không lưu ý đến ngoại kiều. Nhưng khi lên cầm quyền,  Chính Phủ Ngô Đình Diệm có ngay Chính Sách với Hoa Kiều. Đây là một điểm son vì  TT-NĐDiệm đã sáng suốt, xem người Hoa là một thành phần không thể thiếu trong Cộng  Đồng Dân Tộc Việt Nam. Nên TT-NĐDiệm đã cương quyết dùng Luật Quốc Gia để hội  nhập người Hoa vào Cộng Đồng Người Việt. Sắc Luật số 48 của Tổng Thống, quy định tất  cả người Hoa sinh tại VN đều là người VN, và Dụ số 52, ban hành ngày 29/8/1956, quy  định Hoa Kiều sinh sống tại VN phải mang Quốc Tịch VN, mang tên Việt Nam, bằng cách  Việt Hóa tên họ như họ Quách, họ Lâm, họ Vương… hay là phiên âm sang tiếng Việt như  Mã Hán Tự, Hồng NhượcDiệu...v..v..., và ngoại kiều phải đóng thuế cư trú khá cao.  Nhưng hầu hết Hoa Kiều đã nhập tịch VN vì lý do thực dụng: được học hành, buôn bán tự  do, và sống bình đẳng như người Việt. Tính đến cuối năm 1961, gần 1 triệu Hoa Kiều ở  VN, chỉ còn độ 2.000 người, giữ quốc tịch Trung Hoa.
Đây là một thành công lớn về ngoại giao của TT-NĐD vì thiết thực và hữu ích cho cả người  Việt lẫn người Hoa. Thử so sánh với các Thương Binh VNCH bị Đảng và nhà nước VC  phân biệt đối xử, bị khinh khi như một giai cấp thấp kém thứ 2, ngay trên chính quê hương.  Người Tầu (người ngoại quốc) dưới thời TT-NĐD, còn được học hành, tự do phát triển  việc làm ăn, sống thịnh vượng nhiều hơn các anh Thương Binh ở Miền Nam VN, sau năm  1975.

4) Chủ Quyền về Giáo Dục:

Khi tiếp nhận đất nước từ Pháp, nền giáo dục VNCH lúc đó thật là phức tạp. Song song  với hệ thống trường học Việt Nam, còn có hệ thống trường Pháp và trường Trung Hoa.

A. Hệ Thống Trường Việt Nam:

Chính Phủ Ngô Đình Diệm xác định Chủ Quyền về Giáo Dục: Từ năm 1955, tất cả các  Trường Tiểu Học và Trung Học đều phải dạy bằng Tiếng Việt, do Bộ Giáo Dục soạn thảo  và cấp tốc in các Sách Giáo Khoa phân phát đến các trường. (Ai trong chúng ta cũng đều  biết và nhớ các cuốn sách “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” dạy Tiểu Học. Sách dạy chúng ta  từ thời thơ ấu về Chữ Hiếu với Cha Mẹ, về Đạo Đức Làm Người, sống phải có Nhân,  Nghĩa, Lễ, Trí, Tín...).

- Theo Ông Đàm Trung Thao, hiện là Giám Sát Niên Trưởng-CĐNV Dallas, cho biết  Trường Y Khoa lúc đó ở Sàigòn, thì vì thiếu Giáo Sư ngành Khoa Học nên dạy bằng Tiếng  Việt và Tiếng Pháp cho đến năm 1961. Còn chương trình các trường Cao Đẳng trong 2  năm đầu (1956-1957), cũng giảng dạy xen lẫn bằng Tiếng Việt và Tiếng Pháp, cho đến năm  1958 thì hoàn toàn dạy bằng Tiếng Việt.

- Trước nữa, từ năm 1955, các trường Đại Học, nhất là Đại Học Sư Phạm (đào tạo Giáo  Sư Trung Học, và nhớ rằng ở thời VNCH, người dạy Trung Học được gọi là Giáo Sư, cùng  danh hiệu như Giáo Sư dạy ở Đại Học) và Cao Đẳng Sư Phạm (đào tạo Giáo Viên Tiểu  Học) đều dạy bằng Tiếng Việt; Đại Học Luật Khoa và Văn Khoa cũng vậy. Riêng các Đại  Học Khoa Học, Dược Khoa, Nha Khoa, và Y Khoa vì là các ngành Khoa Học và vì chưa  đủ Giáo Sư/Giảng Viên, nên vẫn giảng dạy bằng cách xen lẫn tiếng Việt và tiếng Pháp  (nhưng phần lớn là Tiếng Việt) đến hết năm 1961. Sau năm 1961, tất cả đều dạy bằng Tiếng  Việt. Đây là thành công lớn của TT Ngô Đình Diệm với Chủ Quyền về Giáo Dục và Quốc  Ngữ.

- So sánh với Giáo Dục của VC ngày nay, tác giả Cao Lân ở Anh Quốc nhận xét: “Gần 40  năm qua, sau khi cưỡng chiếm đất nước Việt Nam Cộng Hòa, tới hôm nay, đã có biết bao  nhiêu người, chỉ cần nhìn qua thế hệ sinh sau ngày 30/4/1975, theo như chính các báo chí  trong nước, lớp người này, đã có rất nhiều người hoàn toàn mù chữ, và một số người đã  không được học hết bậc Tiểu Học, không có nghề nghiệp để tự mưu sinh, nên họ đã sống  trong cảnh đói rách triền miên, con cái họ sinh ra, rồi cũng phải kéo lê cuộc đời nghèo khổ  như cha mẹ của chúng! Như vậy, rõ ràng những số tiền viện trợ của Liên Hiệp Quốc và của  các quốc gia trên thế giới, sau chiến tranh VN (1950-1975) đã lọt vào những khối tài sản  riêng của gia đình các “cán bộ cao cấp” của đảng Cộng Sản Việt Nam.”

B. Hệ Thống Trường Pháp:

Trước năm 1945, Hệ Thống Trường Pháp từ Tiểu Học lên đến Đại học, là hệ thống giáo  dục duy nhất tại VN, chương trình giảng dạy và các kỳ thi Tiểu Học, Trung Học Đệ Nhất  Cấp, Tú Tài I và Tú Tài II hoàn toàn đều bằng Tiếng Pháp. Ông Nguyễn Cửu Chiêm, Cựu  công chức cao cấp, thời Đệ I Cộng Hòa, đã nói rằng: Chính Phủ Trần Trọng Kim, dù thân  Nhật, nhưng đã đi tiên phong về Chủ Quyền Giáo Dục, ngay từ năm 1945, ra lệnh bắt buộc  tất cả các trường đều giảng dạy bằng tiếng Việt, dù rằng trong thời gian đó, phần lớn là các  trường Tiểu Học, chỉ có vài trường Trung Học ở các thành phố lớn.

Từ năm 1955, các trường Pháp còn lại ở VN chỉ là trường tư. Sau đó, Phòng Văn Hóa của  Pháp được thành lập trong Tòa Đại Sứ Pháp, để làm việc với Chính Quyền VN, trông coi  các Trường Pháp tại đây. Bằng cấp trong Hệ Thống Giáo Dục Pháp được Việt Nam công  nhận tương đương với bằng Việt Nam.

Xin kể một câu chuyện liên hệ đến chủ quyền Giáo Dục: Từ năm 1956, tất cả bảng tên ở  các trường học đều phải được kẻ và viết bằng tiếng Việt. Tại Sài Gòn có 2 trường trung học  Pháp: Trường Mari Curie và trường Chasseloup Laubat. Marie Curie là tên của Nữ Khoa  Học Gia lừng danh, người Pháp, phục vụ nhân loại, nên VN đồng ý với tên này. Còn  Chasseloup Laubat là tên của một Bộ Trưởng, Bộ Thuộc Địa Pháp, ở thế kỷ 19, thì Chính  Phủ VN yêu cầu Pháp phải đổi tên trường, nên họ đổi thành Jean Jacque Rousseau, một  nhà Triết Học Nhân Bản, người Pháp. Điều này chứng minh VNCH dứt khoát không đồng  ý trường học, một cơ sở giáo dục VN độc lập, mà lại mang tên một Bộ Trưởng, Bộ Thuộc  Địa của Pháp!

C. Hệ Thống Trường Trung Hoa: Chính Phủ thời Pháp cũng chưa bao giờ công nhận bằng  cấp Trung Hoa. Trường học Trung Hoa trước năm 1955, không hề dạy tiếng Việt. Chính  Phủ Đệ I Cộng Hòa đã khẳng định không công nhận bằng cấp của Trung Hoa tương đương  với bằng cấp của Việt Nam, dù bằng cấp Trung Hoa này được thi từ Đài Loan hay Hồng  Kông. Dù không công nhận bằng cấp Trung Hoa, nhưng chính phủ VNCH cũng chấp nhận  cho các trường tư người Hoa, hoạt động trong Chính Sách Tư Thục của Bộ Giáo Dục  VNCH, dạy tiếng Trung Hoa (mục đích là để người Hoa tại VN không quên tiếng Hoa) với  3 điều kiện:

a) Trường Học phải có tên Việt Nam, bảng hiệu của trường phải viết chữ Việt.
b) Hiệu Trưởng phải là người Hoa, sinh tại Việt Nam.
c) Tiếng Hoa được xử dụng trong các môn học khác, nhưng Tiếng Việt phải được dùng để  dạy các môn Sử Ký, Địa Lý, và Việt Văn.

(Chắc quý vị còn nhớ việc đau lòng trong Tết Mậu Thân 1968 ở Chợ Lớn, trực thăng Hoa  Kỳ đã bắn nhầm hỏa tiễn, làm thiệt mạng một số sĩ quan cao cấp VNCH, đang chỉ huy mặt  trận chống VC, tại trường Trung Học Tư Thục rất đẹp của Trung Hoa, tên là Trường Phước  Đức.)


Kết Luận:

- Chủ Quyền Ngoại Giao: không có ở VNCS hiện nay vì Việt Cộng không bảo vệ. Dân Tầu  Cộng tràn vào đất Việt. Họ có quyền sang Việt Nam mà không cần Giấy Thông Hành và  không giới hạn thời gian ở lại VN.

- Chủ Quyền Kinh Tế: cũng không có ở VNCS. Dân Tầu Cộng có thể làm bất cứ ngành  nghề nào (không bị cấm làm 11 nghề, để bớt cạnh tranh với dân Việt, như thời TT-NĐD),  không phải đóng thuế lưu trú, và các hãng xưởng của Tầu tự do thành lập khắp nơi, trên đất  nước Việt Nam.

- Chủ Quyền Giáo Dục và Văn Hóa, Ngôn Ngữ: bị xóa mờ ở Việt Nam, vì một môn học  rất quan trọng trong Chương Trình Giáo Dục là môn Lịch Sử, hiện nay không cần phải thi.  VC sợ học sinh biết rõ về giai đoạn Bắc Thuộc: đế quốc Tầu xâm lăng và cai trị dân Việt ác  độc, cả ngàn năm trước đây (111 B.C. - 938 A.D.), có thể làm mất lòng Tầu Cộng, nên  VC xếp loại Lịch Sử là môn học Nhiệm Ý, có thể chọn hoặc không chọn học môn Lịch Sử  VN! Lại cộng thêm sự thờ ơ, không dạy bảo Lòng Ái Quốc cho con cháu, của phụ huynh;  hậu quả là đa số người trẻ Việt ở quốc nội thiếu tình yêu dân tộc và quê hương. Nhiều sinh  viên du học từ VN đã nói, mục đích chính của các em khi ra hải ngoại là học để có việc làm  và kiếm tiền, vậy thôi. Chuyện đất nước Việt lệ thuộc Tầu hay dân tộc Việt bị VC áp bức,  không cần quan tâm.

Còn Tiếng Việt (của VC) từ sau năm 1975 thì kinh khủng quá! Vô số từ và câu phức tạp,  bị lạm dụng quá đáng, thường tối nghĩa, trái nghĩa, hoặc vô nghĩa, có khi thô tục... đang biến  quốc ngữ thành một thứ tiếng xa lạ, và do đó, hủy hoại dần ngôn ngữ và văn hóa Việt. Ở  đây, xin nhắc lời kêu gọi đúng đắn và cương quyết của Hương Sàigòn:

MUỐN BẢO VỆ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM,
TUYỆT ĐỐI KHÔNG DÙNG TỪ NGỮ CỦA CỘNG SẢN.  _Hương Saigon

- Và Chủ Quyền Độc Lập Lãnh Thổ: làm sao có được ở VN hiện nay, khi Ải Nam Quan,  Thác Bản Giốc, các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa,..., đều đã mất về tay Trung Cộng. Đó  là do Đảng CSVN vô trách nhiệm, không lo bảo vệ đất nước; còn đổ tội, đánh đập tàn  nhẫn, và bỏ tù dân Việt quốc nội, khi họ biểu tình chống Tầu xâm lăng. Dân Việt trong nước  khoảng 90 triệu nhưng mỗi khi biểu tình, thường chỉ có vài chục, vài trăm người, nên bị công  an VC và cảnh sát Cơ Động dẹp tan; các lãnh đạo anh hùng cứ bị bắt và bị lôi đi giữa đám  đông, không ai phản đối. Do đó, nhiều người trong nước thờ ơ, im lặng, an thân. Thử so  sánh với Hồng Kông trong hai tháng 9 và 10/2014: Họ chỉ có khoảng 7 triệu dân, mà đoàn  kết và trật tự, rủ nhau đi biểu tình chống Trung Cộng, từ vài ngàn tới cả trăm ngàn người; dù  Trung Cộng đổ tội (mà không chứng minh được) là “có Hoa Kỳ nhúng tay vào ở Hồng  Kông”.

Để kết thúc buổi nói chuyện chiều nay, tôi muốn nhắc tới một món quà giá trị mà các bậc  ông bà, cha mẹ có thể tặng cho con cháu, là khuyên dạy chúng biết ngay thẳng, tự Nhận  Lấy Trách Nhiệm khi có lỗi, chứ không đổ tội cho người khác, và nhớ cho phép chúng  Vươn Đôi Cánh Độc Lập để bay đi... khi đã trưởng thành. Sau cùng, chúng ta cũng cần nhớ  lại: Với Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Chủ Quyền Đất Nước và Độc Lập Dân Tộc là một  nguyên tắc căn bản, không thể bàn thảo và tương nhượng. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã  đem sinh mạng của chính mình để bảo vệ nguyên tắc này.

Xin chân thành cám ơn: Ông Huỳnh Bá Phước, Cựu Tù Nhân Chính Trị thời CSVN, sau  năm 1975; Ông Nguyễn Cửu Chiêm, Cựu Công Chức Cao Cấp, thời Đệ I Cộng Hòa, và  Ông Đàm Trung Thao, Giám Sát của CĐNV Dallas, đã nhiệt tình tìm kiếm và cung cấp tin  tức, tài liệu xác tín, giúp tôi hoàn thành Bài Diễn Văn hữu ích hôm nay.

Xin cám ơn Quý Vị đã lắng nghe.

Ngày 2/11/2014 - GS Trần Thủy Tiên - M.A. in Psychology & Sociology

http://www.lyhuong.net/uc/index.php/shcd/3858-3858

No comments:

Post a Comment